Chàm Dị Ứng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Điển Hình, Cách Chữa

Chàm dị ứng – một bệnh lý viêm da mãn tính phổ biến gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người mắc. Bệnh đặc trưng bởi các đợt bùng phát xen kẽ với giai đoạn thuyên giảm, đòi hỏi sự hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị để kiểm soát hiệu quả. 

Định nghĩa chàm dị ứng là gì?

Chàm dị ứng là bệnh viêm da mãn tính, đặc trưng bởi các triệu chứng như ngứa, khô da và phát ban đỏ. Bệnh thường xuất hiện theo từng đợt, có thể bùng phát rồi lại thuyên giảm.

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng cũng có thể kéo dài hoặc phát triển ở người trưởng thành. Tuy không lây nhiễm nhưng chàm dị ứng gây ra những triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Chàm dị ứng là bệnh lý viêm da mãn tính
Chàm dị ứng là bệnh lý viêm da mãn tính

Triệu chứng chàm dị ứng

Các triệu chứng chàm dị ứng có thể khác nhau tùy từng người, nhưng thường bao gồm:

  • Ngứa: Cơn ngứa có thể dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
  • Khô da: Vùng da bị chàm thường rất khô, bong tróc, thậm chí nứt nẻ.
  • Phát ban đỏ: Xuất hiện các mảng da đỏ, sưng viêm hoặc nổi mụn nước li ti.
  • Da dày lên, sần sùi: Do gãi nhiều và tình trạng viêm kéo dài, da vùng bị chàm có thể trở nên dày hơn, sần sùi và thay đổi màu sắc.

Các vị trí thường gặp của chàm dị ứng:

  • Trẻ sơ sinh: Mặt, da đầu, khuỷu tay, đầu gối.
  • Trẻ em: Nếp gấp khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, cổ chân.
  • Người lớn: Tay, chân, mặt, cổ.

Nguyên nhân gây chàm dị ứng

Dù nguyên nhân chính gây chàm dị ứng vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố sau đây đóng vai trò quan trọng khiến bệnh bùng phát:

  • Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người thân (bố mẹ, anh chị em ruột) bị chàm dị ứng, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, thì nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ cao hơn so với người bình thường.
  • Rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da: Một số đột biến gen, đặc biệt là gen filaggrin, có thể gây ra sự khiếm khuyết trong cấu trúc của hàng rào bảo vệ da, làm tăng nguy cơ mắc chàm dị ứng.
  • Hệ miễn dịch quá mẫn: Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức hoặc phản ứng bất thường với các tác nhân như bụi, phấn hoa, hóa chất hoặc thực phẩm, gây ra viêm nhiễm và chàm da.
  • Môi trường sống: Thời tiết khô lạnh, ô nhiễm không khí hoặc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Stress: Tâm lý căng thẳng, lo âu, buồn phiền,… có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm bùng phát chàm dị ứng.

Chàm dị ứng nguy hiểm không?

Chàm dị ứng không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng tiêu cực như:

  • Nhiễm trùng da: Chàm dị ứng khiến hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus hoặc nấm dễ dàng xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng da.
  • Dày da và lichen hóa: Khi người bệnh gãi liên tục do ngứa, da sẽ bị kích thích và tổn thương lâu dài, khiến da sần sùi, cứng, thô ráp và thay đổi sắc tố da, gây mất thẩm mỹ.
  • Nguy cơ phát triển các bệnh lý khác: Người bị chàm dị ứng thường có cơ địa dễ bị kích ứng và dị ứng với các tác nhân khác, dẫn đến bệnh gen suyễn và viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa mãn tính.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Ngứa ngáy liên tục ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Ngoài ra gây tâm lý tự ti do làn da bị tổn thương, đặc biệt nếu bị chàm ở da mặt hoặc tay.

Phương pháp chẩn đoán chàm dị ứng

Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán chàm dị ứng phổ biến:

Khám lâm sàng: 

  • Bác sĩ kiểm tra trực tiếp các vùng da bị tổn thương để nhận biết các dấu hiệu đặc trưng của chàm dị ứng.
  • Khai thác tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, bao gồm thời gian xuất hiện chàm, mức độ ngứa, tình trạng tái phát, tiền sử gia đình, các yếu tố kích thích,…

Các xét nghiệm hỗ trợ

  • Xét nghiệm dị ứng (Patch test): Phương pháp này giúp xác định các chất gây dị ứng bằng cách dán các mẫu chất lên da và quan sát phản ứng.
  • Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra IgE và số lượng bạch cầu ái toan. Nếu 2 chỉ số này đều tăng cao sẽ là dấu hiệu các bệnh lý dị ứng, bao gồm chàm dị ứng.
  • Sinh thiết da: Trong trường hợp khó chẩn đoán hoặc nghi ngờ bệnh lý khác, bác sĩ có thể lấy mẫu da để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh nên đi khám bác sĩ da liễu nếu:

  • Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng nghiêm trọng.
  • Ngứa không kiểm soát được, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt.
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng da như sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ.
  • Bạn không rõ nguyên nhân hoặc cần tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.

Đối tượng có nguy cơ bị chàm dị ứng

Một số đối tượng có nguy cơ mắc chàm dị ứng cao hơn:

  • Chàm dị ứng thường khởi phát ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
  • Người có tiền sử gia đình bị chàm dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
  • Người sống ở khu vực khí hậu khô lạnh hoặc ô nhiễm cao.
  • Người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với hóa chất, bụi bẩn hoặc chất gây dị ứng.

Phòng ngừa chàm dị ứng

Chuyên gia Da liễu hướng dẫn các biện pháp sau giúp giảm nguy cơ bùng phát chàm dị ứng như sau:

  • Dưỡng ẩm da thường xuyên: Sử dụng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu, thoa lên da ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi tắm.
  • Tránh các tác nhân kích ứng: Xác định và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố làm bùng phát chàm như xà phòng, hóa chất, len, bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng,…
  • Tắm nước ấm: Tránh tắm nước quá nóng, vì nước nóng có thể làm khô da.
  • Mặc quần áo rộng rãi: Chọn quần áo bằng chất liệu cotton mềm mại, thấm hút mồ hôi.
  • Kiểm soát căng thẳng: Stress có thể làm nặng thêm triệu chứng chàm, vì vậy hãy tìm cách thư giãn, giảm căng thẳng như tập yoga, thiền định,…
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước, hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn.

Phương pháp điều trị bệnh lý chàm dị ứng

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm chàm dị ứng nhưng có nhiều cách để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa bùng phát dai dẳng như sau:

Sử dụng thuốc Tây

Các loại thuốc được chỉ định sử dụng trong phác đồ điều trị chàm dị ứng như sau:

Corticosteroid

  • Tác dụng: Có tác dụng chống viêm, giảm ngứa, giảm sưng đỏ.
  • Ví dụ: Dạng bôi (Hydrocortisone, Betamethasone, Clobetasol), dạng uống (Prednisone, Methylprednisolone).

Thuốc ức chế calcineurin

  • Tác dụng: Ức chế hệ thống miễn dịch tại chỗ, giúp giảm viêm và ngứa. Được sử dụng cho chàm dai dẳng hoặc ở những vùng da nhạy cảm như mặt, cổ.
  • Ví dụ: Dạng bôi (Tacrolimus, Pimecrolimus), dạng uống (Azathioprine, Cyclosporine, Methotrexate).

Thuốc kháng sinh

  • Tác dụng: Sử dụng khi có dấu hiệu nhiễm trùng da do vi khuẩn.
  • Ví dụ: Thuốc Mupirocin, Fusidic acid,…

Thuốc sinh học: 

  • Tác dụng: Là các kháng thể đơn dòng, nhắm vào các phân tử cụ thể trong hệ thống miễn dịch, được sử dụng cho chàm trung bình đến nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Ví dụ: Dupilumab, Tralokinumab,…

Kem dưỡng ẩm

  • Tác dụng: Giúp làm mềm da, giữ ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da.
  • Ví dụ: Cetaphil, Eucerin, CeraVe,…

Phương pháp điều trị khác

Ngoài sử dụng thuốc, một số phương pháp được chỉ định cho bệnh nhân bị chàm dị ứng mức độ nặng như sau:

Liệu pháp ánh sáng 

  • Cơ chế hoạt động: Liệu pháp ánh sáng sử dụng tia cực tím (UV) như UVB phổ hẹp (narrowband UVB) hoặc UVA1 để tác động lên da. Từ đó sẽ giảm viêm, giảm ngứa và tăng cường hàng rào bảo vệ da.
  • Cách thực hiện: Vùng da bị bệnh được đặt dưới thiết bị phát tia UV trong một thời gian ngắn (thường từ vài giây đến vài phút, tùy mức độ bệnh). Quy trình thường kéo dài 2 – 3 buổi/tuần và thực hiện liên tục đến khi khỏi bệnh.

Băng ướt 

  • Cơ chế hoạt động: Băng ướt hoạt động dựa trên nguyên tắc làm dịu da, tăng cường độ ẩm và giảm viêm.
  • Cách thực hiện: Ngâm một miếng gạc sạch trong nước mát hoặc nước muối sinh lý, vắt nhẹ miếng gạc để loại bỏ nước thừa và đắp lên vùng da bị ảnh hưởng trong 20 phút.

Chàm dị ứng là một bệnh lý da liễu mãn tính, gây ra nhiều khó chịu. Tuy nhiên, bằng cách hiểu rõ về bệnh, chủ động phòng ngừa và điều trị đúng cách, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa bùng phát và tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *