Viêm Da Cơ Địa Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Phương Pháp Điều Trị
Viêm da cơ địa ở trẻ em là một trong những bệnh lý da liễu phổ biến thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ gây khô, ngứa và viêm da mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều trị kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là bước đầu tiên để cha mẹ có thể chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của con yêu một cách hiệu quả.
Viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?
Viêm da cơ địa còn gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da liễu mãn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh gây ra tình trạng viêm, khô, ngứa và bong tróc da, thường xuất hiện lần đầu trong giai đoạn 3-6 tháng tuổi. Viêm da cơ địa không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ nếu không được điều trị đúng cách. Đây là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh eczema ở trẻ em.

Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em
Những triệu chứng có thể xảy ra khác nhau ở mỗi trẻ. Chúng có thể bao gồm:
- Da khô, có vảy.
- Ngứa dữ dội.
- Đỏ và sưng.
- Da dày lên.
- Da mặt nhợt nhạt.
- Các vết sưng nhỏ, nổi lên có thể đóng vảy và rò rỉ chất lỏng nếu bị trầy xước.
- Các vết sưng thô trên mặt, cánh tay và đùi.
- Da mí mắt hoặc xung quanh mắt bị thâm đen.
- Vùng da quanh miệng, mắt hoặc tai bị khô ráp, bong tróc.
- Các vùng nổi lên có màu đỏ (phát ban).
Nguyên nhân gây bệnh
Yếu tố di truyền
Di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh viêm da cơ địa. Nếu cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn hoặc chính viêm da cơ địa, nguy cơ trẻ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện
Hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh, khiến cơ thể dễ phản ứng quá mức với các yếu tố kích thích từ môi trường, dẫn đến viêm da cơ địa.
Yếu tố môi trường
Thời tiết lạnh và khô dễ làm mất độ ẩm tự nhiên của da, khiến da trở nên khô ráp và dễ bị viêm. Tiếp xúc với các chất gây kích ứng như hóa chất trong xà phòng, chất tẩy rửa hoặc quần áo làm từ vải tổng hợp cũng có thể kích hoạt bệnh.
Biến chứng có thể gặp phải
Viêm da cơ địa ở trẻ em có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ.
Nhiễm trùng da
Vùng da bị nhiễm trùng có thể sưng, đỏ, nóng rát, xuất hiện mủ, kèm theo sốt. Nhiễm trùng nặng như viêm mô tế bào hoặc nhiễm trùng huyết có thể xảy ra nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh chàm bội nhiễm
Khi viêm da cơ địa kết hợp với sự phát triển quá mức của vi khuẩn Staphylococcus aureus trên da, bệnh có thể chuyển thành chàm bội nhiễm. Chàm bội nhiễm làm các triệu chứng viêm trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài thời gian điều trị.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ
Ngứa dữ dội vào ban đêm khiến trẻ khó ngủ hoặc thức giấc nhiều lần. Thiếu ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và khả năng tập trung của trẻ.
Các bệnh lý dị ứng kèm theo
Trẻ bị viêm da cơ địa có nguy cơ cao phát triển các bệnh dị ứng khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc dị ứng thực phẩm.
Ảnh hưởng tâm lý
Trẻ có thể cảm thấy tự ti, lo lắng hoặc xấu hổ về ngoại hình, đặc biệt nếu tổn thương da xuất hiện trên vùng mặt hoặc tay. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp và cuộc sống của trẻ.
Phương pháp chẩn đoán
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng và hỏi về tiền sử bệnh của trẻ cũng như gia đình. Việc xác định vị trí và hình dạng tổn thương giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
Xét nghiệm dị ứng
Trong một số trường hợp, xét nghiệm da hoặc máu có thể được thực hiện để xác định các chất gây dị ứng liên quan. Điều này đặc biệt hữu ích khi trẻ có dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng hoặc bệnh không đáp ứng điều trị thông thường.
Loại trừ các bệnh lý khác
Bác sĩ có thể cần loại trừ các bệnh lý da khác như bệnh vảy nến hoặc nhiễm trùng da bằng các xét nghiệm bổ sung.
Khi nào cần đưa trẻ em đến bệnh viện?
- Triệu chứng không cải thiện sau 1-2 tuần chăm sóc tại nhà thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Khi da xuất hiện sưng, đỏ, chảy mủ hoặc trẻ có sốt,… Đây là dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng cần đến gặp bác sĩ ngay.
- Nếu trẻ khó ngủ, ăn uống kém hoặc có biểu hiện khó chịu kéo dài, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.
- Khi trẻ xuất hiện những triệu chứng mới.
Lưu ý khi bị viêm da cơ địa ở trẻ em
Các triệu chứng của viêm da cơ địa thường sẽ thuyên giảm hoặc biến mất khi trẻ lớn lên. Để giúp ngăn ngừa tái phát bệnh, hãy đảm bảo các yếu tố sau:
- Tránh các tác nhân gây dị ứng: Các tác nhân gây viêm da phổ biến bao gồm chất gây kích ứng (như len, xà phòng hoặc hóa chất)…
- Không làm trầy xước da: Cố gắng không để trẻ gãi vào vết thương. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng ở trẻ.
- Luôn để móng tay ngắn: Cắt móng tay cho trẻ để giữ móng ngắn và tránh cào xước.
- Tắm nước ấm: Không tắm nước quá nóng cho trẻ vì sẽ gây khô da, tăng triệu chứng của bệnh.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Thoa kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ ngay sau khi tắm.
- Mặc quần áo mềm: Không cho trẻ mặc quần áo bằng vải len hoặc vải thô. Thay vào đó nên lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát.
- Giữ mát cơ thể: Cố gắng giữ cho trẻ mát mẻ nhất có thể. Nóng và đổ mồ hôi sẽ tăng cảm giác ngứa ngáy khiến trẻ khó chịu hơn.
- Không tiêm vắc-xin đậu mùa: Đây không phải là loại vắc-xin phổ biến và những người bị viêm da cơ địa không nên tiêm vắc-xin đậu mùa.
Phương pháp điều trị
Việc điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, độ tuổi và sức khỏe tổng quát của con bạn. Không có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh viêm da cơ địa. Mục tiêu của việc điều trị là giảm ngứa và viêm, bổ sung độ ẩm và ngăn ngừa biến chứng.
Điều trị viêm da cơ địa cho trẻ sẽ bao gồm:
- Tránh xa các chất gây kích ứng theo lời khuyên của bác sĩ chăm sóc sức khỏe của trẻ.
- Tắm thường xuyên bằng nước ấm và rửa chân tay sạch sẽ cho trẻ.
- Cắt ngắn móng tay của trẻ và che vùng bị da bị bệnh bằng quần áo hoặc băng gạc để giúp ngăn ngừa việc gãi ngứa có thể gây kích ứng da và nhiễm trùng.
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm theo lời khuyên của bác sĩ chăm sóc sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc để giúp trẻ giảm nhanh triệu chứng. Một số loại thuốc Tây thường được sử dụng cho trẻ bao gồm:
- Kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid: Kem hoặc thuốc mỡ được bôi lên vùng da bị tổn thương giúp giảm ngứa và sưng.
- Thuốc kháng sinh: Có thể cho trẻ uống thuốc dạng lỏng hoặc dạng viên để điều trị nhiễm trùng.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc này được dùng trước khi ngủ để giúp giảm ngứa và cải thiện giấc ngủ.
- Kem hoặc thuốc mỡ ức chế calcineurin: Kem hoặc thuốc mỡ được bôi lên da để giúp giảm ngứa và sưng.
- Thuốc điều hòa miễn dịch: Thuốc có tác dụng lên hệ miễn dịch, được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Thuốc có thể có tác dụng phụ nên phụ huynh cần cân nhắc trước khi cho trẻ dùng.
Viêm da cơ địa ở trẻ em là một bệnh lý mạn tính nhưng có thể kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách và chăm sóc kịp thời. Việc giữ ẩm da, tránh các chất gây kích ứng và duy trì môi trường sống lành mạnh sẽ giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Nếu nhận thấy dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị chuyên sâu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!